Friday, September 23, 2022
Tại Sao Các Nhân Viên Phụ Tá Vẫn Luôn Luôn "Sửa Lưng" Biden
Trong thời gian tranh cử, Biden hứa sẽ luôn luôn đưa ra những câu trả lời thẳng thắn. Thế nhưng cách nói ấm ớ, nổ sảng, năm trật ba vuột, luôn luôn khiến ông ta gặp khó khăn, rắc rối; cho dù đám truyền thông cánh tả lúc nào cũng lên tiếng bênh vực, hoặc bỏ qua như nước chảy ... xuống cầu.
Biden với mục tiêu "nói thẳng" về Đài Loan, đại dịch, những người ủng hộ MAGA, và liệu Putin có nên được tiếp tục lãnh đạo Nga hay không ...
Thế nhưng mỗi lần Biden mở miệng là các nhân viên toà Bạch Ốc (White House - Phủ Tổng Thống - Cơ quan Hành pháp), các nhà lập pháp ở Quốc hội thuộc đảng Dân Chủ, cũng như giới truyền thông cánh tả và đồng minh chính trị lại nhào vô, đua nhau giải thích rằng Biden không có ý nói những gì ông ta đã tuyên bố, hoặc lời tuyên bố của Biden có ý nghĩa khác hơn những gì ông ta đã thốt ra.
Như thế, những lời "sửa sai" hay "sửa lưng" hoặc người Mỹ gọi là "mopping up - chùi rửa cho sạch sẽ" đã tạo nên câu hỏi rằng việc rút lại hoặc sửa sai lời tuyên bố của Biden có làm suy giảm quyền lực của ông ta hay không?
Biden vẫn tự nhận ông ta là "cái máy nói nhảm, nói lộn (gaffe machine)" -- miệng lưỡi của ông ta thường khiến ông ta phải ngồi trên lửa khi còn ở Thượng viện, và đã khiến trong buổi đầu nhiều phụ tá của Obama không tin tưởng vào khả năng làm phó tổng của ông ta. Thế nhưng ngày nay, Biden là "Tổng chỉ huy (commander-in-chief)" thì có quyền phát ngôn bừa bãi, bất cứ những gì ông ta muốn -- cho đến khi các "bộ máy lau chùi" hay các "chuyên viên sửa lưng" nhào vô làm việc. Có lẽ vì thế mà có người đã "sửa sai" và gọi Biden là "Idiot-in-chief (Tổng Ngố)". Nói theo văn chương của Kim Dung thì là "Thiên Hạ Đệ Nhất Ngu."
Trong phạm vi của bài viết này, để thuận tiện cho câu văn, chúng tôi sẽ dùng từ ngữ "sửa sai" để nói về việc "sửa lưng", "điều chỉnh", "chùi rửa", "quét dọn" ... của nhân viên Toà Bạch Ốc có nhiệm vụ giải thích lời tuyên bố của Biden là đồng nghĩa với việc "nói lộn, nói lại".
Thông thường, những lời sửa sai của nhân viên phụ tá mang ý nghĩa không tôn trọng Tổng Thống. Xem như Biden không tự làm chủ được trí óc của ông ta -- như người đãng trí, lú lẫn -- hoặc "đọc lộn" những câu mà nhân viên đã soạn sẵn, muốn nhét vào mồm ông ta. Việc này đã đưa ra cơ hội cho đảng Cộng Hoà nghi ngờ về khả năng nhận thức cũng như thể lực và tâm thần của ông ta. Nhưng vấn đề còn đi sâu hơn, bởi vì "Lời nói của một tổng thống luôn luôn gây được tiếng vang." Trong thời kỳ khủng hoảng, mạng sống có thể bị đe dọa. Lời nói của tổng thống ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Việc liên tục bị sửa sai gây ra sự rối loạn và nghi ngờ về quyền lực và khả năng lãnh đạo của Biden.
Khi tranh cử, các chính trị gia thường to mồm hứa hẹn là sẽ cho biết mọi chuyện diễn ra đúng như vậy. Chẳng hạn, bạn của Biden, cố Thượng nghị sĩ của tiểu bang Arizona, John McCain, người đại diện đảng Đảng Cộng hòa năm 2008 đã từng được xem là "Straight Talk Express". Nhưng sự trung thực và thẳng thắn thường không có lợi cho việc điều hành. Khi ông lớn (big guy) đưa ra lời tuyên bố "năm trật ba vuột", ông ta có thể làm nguy hại đến chính sách và làm suy yếu chính phủ. Đây là trường hợp xảy ra vào tuần này, khi Biden tuyên bố rằng đại dịch đã kết thúc trong cuộc phỏng vấn của chương trình "60 phút" đã làm suy yếu sự thúc đẩy của đảng Dân chủ ở Hạ viện và Thượng viện đối với yêu cầu của chính Toà Bạch Ốc về việc xin tài trợ thêm hàng tỷ đô la cho công việc chống và phòng ngừa Covid-19. Một mặt đòi thêm tiền để chống đại dịch, một mặt thì tuyên bố đại dịch đã chấm dứt. Xem ra không phải chỉ là "trật đường rầy" mà là "rớt khỏi đường đèo".
Biden đã gây ra một cuộc tranh cãi quốc tế về lời cam kết mới nhất của ông ta, trong cuộc phỏng vấn trên TV hôm Chủ nhật, về vấn đề bảo vệ Đài Loan nếu Trung cộng xâm lăng. Ông ta đã nói những lời tương tự, ít nhất ba lần trước đó, chà đạp lên nguyên tắc "chiến lược mơ hồ" không rõ ràng về phản ứng của Mỹ sẽ như thế nào, một mặt đồng ý với chủ trương "Một Nước Trung Hoa" của Trung cộng, mặt khác bảo đảm cho nền an ninh lãnh thổ của Đài Loan. Chính sách này được đưa ra nhằm khiến Trung cộng phải suy nghĩ kỹ nhưng cũng để tránh mang lại cho người Đài Loan cảm giác an toàn có thể thúc đẩy việc tuyên bố độc lập.
Thế nhưng mỗi lần mở miệng là Biden đã khiến cho Đài Loan tin tưởng mạnh mẽ về việc Hoa Kỳ sẽ chống đỡ cho họ, và văn phòng của tổng thống lại hối hả sửa sai, "nói vậy, chứ không phải vậy đâu," đừng tưởng bở mà làm tới, Trung cộng nó nổi điên xua quân tấn công, rồi ngồi đó mà chờ Mỹ đem quân tới cứu thì chắc là tới tết ... Công Gô.
Các nhà bình luận nghi ngờ về sự hiểu biết của Biden khi ông ta trả lời "có" cho một câu hỏi chính xác từ Scott Pelley của CBS trong chương trình "60 Minutes" về việc liệu ông ta có điều động quân đội Hoa Kỳ để bảo vệ Đài Loan nếu nước này bị Trung cộng xâm lăng hay không.
Nhưng cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, hôm thứ Ba, nhấn mạnh rằng Biden không thay đổi chính sách và giải thích (sửa sai) rằng đó là câu trả lời cho một câu hỏi "giả định", mặc dù tình báo Mỹ cho biết Trung cộng đang thành lập một lực lượng có khả năng xâm chiếm Đài Loan.
Biden đã từng tái xác định việc bảo vệ Đài Loan trong một cuộc phỏng vấn về chính sách "One China - Một Quốc Gia Trung Hoa". Thế nhưng Sullivan cũng lên tiếng sửa sai rằng ý của Biden muốn nói là có những "kẽ hở" trong chính sách bảo vệ Đài Loan, và đừng hiểu lầm để đi vào con đường nguy hiểm.
Hôm thứ Ba, Thượng nghị sĩ Tim Kaine, tiểu bang Virginia, nói rằng "Cho dù lời tuyên bố của Biden đã được sửa sai, nhưng nó đã trở thành một chiến lược." Một Thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ Chris Murphy, tiểu bang Connecticut, lên tiếng biện hộ rằng đó chỉ là sự hiểu lầm trong nội bộ phủ Tổng Thống, hơn là một thí dụ về thay đổi chiến lược của chính phủ.
Nhưng Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jim Inhofe của tiểu bang Oklahoma, thành viên cao cấp của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện, nói rằng câu "nổ bậy" của Biden đang gây tổn hại cho uy tín của Hoa Kỳ.
Ông Mark Esper, cựu Bộ trưởng Bộ quốc phòng dưới thời Tổng thống Trump, người có quan điểm một chiến lược mạnh mẽ về việc bảo vệ Đài Loan, cho rằng "Biden đã nói điều này bốn lần rồi, tôi cho rằng ông ta nói đúng và nhân viên của ông ta không những cứ luôn luôn sửa sai, mà chứng tỏ rằng họ đã xem thường ông ta khi nói là chính sách của Hoa Kỳ về Đài Loan không thay đổi." Ông nói với phóng viên của CNN Jake Tapper rằng "Chúng ta cần thay đổi chiến lược mập mờ, nếu chúng ta muốn ngăn ngừa việc Trung cộng xâm lăng Đài Loan."
Đây không phải là lần đầu tiên mà một bài nói chuyện đơn giản của Biden gây tiếng vang dữ dội ở nước ngoài.
Tại Warsaw vào tháng 3, Biden nói rằng "không nên để cho Putin tiếp tục nắm chính quyền." Nhân viên Toà Bạch Ốc hoảng vía, vội vàng sửa sai rằng Tổng thống không nói về việc thay đổi chế độ. Và các chuyên gia chính sách đối ngoại đã sửa sai rằng ông ta đã cá nhân hóa ác cảm với Putin về vấn đề Ukraine. Và cho rằng đây là một nhận định có ý nghĩa đạo đức, để cố gắng tránh Putin đi quá đà, có thể gây ra một cuộc đụng độ với NATO.
Xem ra đó cũng là những lời sửa sai rất hay của các "chuyên gia", nghe thì "rằng hay thì thật là hay" nhưng việc sửa lưng như thế là xem thường lời nói, hoặc nghi ngờ về trí tuệ, sự hiểu biết của Biden.
Những cuộc nói chuyện thẳng thắn của Biden không chỉ gây ra vấn đề ở nước ngoài. Nhận xét của ông ta trong cuộc phỏng vấn của chương trình "60 Minutes" rằng "đại dịch đã chấm dứt" khiến các giới chức y tế công cộng của chính phủ bối rối, và làm phiền các đảng viên Dân chủ ở quốc hội, những người đang tranh cãi để được viện trợ nhiều hơn, và làm lợi, mở đường chống đối cho phía nghị sĩ của đảng Cộng hòa. Sau đó, Biden đã điều chỉnh nhận xét của ông ta bằng cách nói rằng Covid-19 vẫn còn là một vấn đề và còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng đã lại khiến các nhân viên phụ tá phải cố gắng sửa sai lại cho chính xác rằng ý của ông ta là "nói vậy nhưng không phải vậy", và đã gây nên làn sóng phê bình và chỉ trích từ các nhà dịch tễ học.
Thói quen đưa ra những tuyên bố "trật đường rầy" để rồi được sửa sai của Biden có thể ám ảnh ông ta trên con đường tranh cử. Tháng trước, trong một màn trình diễn theo kiểu Hitler, ông ta đã đưa ra một câu bình luận ngoài lề, khi mô tả "triết lý MAGA" của Trump là "chủ nghĩa bán phát xít (semi-fascism)".
Ngay cả một số thành viên của đảng Dân chủ cho rằng Biden đã đi quá xa, và ông ta xem ra cũng đồng ý rằng ông ta đã đi lạc vào lỗi lầm của Hillary Clinton theo kiểu gọi những người theo đảng Cộng hoà là "một giỏ người xa đoạ (basket of deplorables)". Ông ta không cố gắng tự sửa sai và vẫn khẳng định rằng chỉ những cử tri "extreme MAGA", chứ không phải tất cả những người theo đảng Cộng hoà là xấu.
Nhưng bây giờ, sau quá nhiều lần tuyên bố tầm bậy, ba láp ba xàm, để phải bị sửa sai, khiến mọi người biết được thực sự Biden nghĩ gì. Điều tương tự cũng có thể đúng với Đài Loan, mặc dù Sullivan khẳng định rằng những gì Biden nói không có giá trị. Nguyên văn "what Biden said doesn't count". Trong lịch sử của Hoa Kỳ, chưa có một vị tổng thống nào bị nhân viên xem thường như vậy. Đến đây, tưởng cũng nên nhắc lại câu hỏi "Hiện nay, ai hoặc thế lực nào đang thực sự lãnh đạo quốc gia Hoa Kỳ?"
Việt 4 GOP
Tham khảo: